Biolife Corp.

Lợi ích đối với trẻ khi nuôi thú cưng trong nhà

 Nuôi một chú chó cưng, một cô mèo yểu điệu, một em thỏ xinh xắn… , bạn đừng vội nhăn mũi khi nghĩ ngay đến việc chúng sẽ “bĩnh” ra nhà bất cứ lúc nào, hay sẽ rất phiền toái nếu muốn đi đâu cũng thật khó vì phải lo cho chúng bữa ăn bữa ngủ theo giờ. Nghe thì thật ái ngại, nhưng rõ ràng việc nuôi một con vật trong nhà cũng ấm áp như gia đình có thêm một thành viên nữa. Và sẽ còn hữu ích hơn khi bé yêu nhà bạn được cùng bố mẹ tận tay chăm sóc người bạn nhỏ này, bé sẽ học được vô vàn những kỹ năng tuyệt vời mà người lớn chúng ta không ngờ tới.

yeu thu cung 1

1.Biết yêu thương, chăm sóc

Khi nuôi thú cưng, trẻ sẽ sớm phát triển ý thức về trách nhiệm và biết chăm sóc người khác. Thú nuôi cần được quan tâm và để mắt mọi nơi mọi lúc. Khác với những động vật đi hoang, thú nuôi trong nhà được huấn luyện cách phát tín hiệu khi chúng đói hoặc buồn chán, khi nhìn thấy những dấu hiệu này, chủ nuôi sẽ cho chúng ăn, hoặc chơi với chúng.

Ở nhà, trẻ được dành mọi sự quan tâm, chú ý từ những điều nhỏ nhất. Tâm lý này thông thường dễ khiến bé có suy nghĩ mình quan trọng, mình là nhất. Nếu như, trẻ được giao nhiệm vụ chăm sóc một con vật nuôi nào đó, trẻ sẽ học được cách để yêu thương, quan tâm chúng và trở nên có trách nhiệm với chúng hơn.

Có một lần, Tôm – cháu trai tôi năm nay lên lớp 6, đi tìm chú chó Pug bị lạc, Tôm liên tục hỏi người lớn rằng Pug đi đâu rồi, Pug đã được ăn chưa, Pug có nhớ nhà mình mà về hay không, hay Pug mải chơi với người khác nên quên mất Tôm rồi… Tôi hiểu rằng, cậu cháu Tôm vốn quen được nuông chiều, giờ trở nên biết lo lắng và quan tâm đến một điều khác thay vì chỉ quan tâm đến bữa ăn của con, chiếc bút của con, hay đồ chơi của con như trước.  

Khi bé còn nhỏ, giao cho bé một thú cưng không có nghĩa là giao hoàn toàn trách nhiệm cho trẻ. Nếu bé còn quá nhỏ, cha mẹ có thể để bé giúp những việc đơn giản như đổ nước, đổ thức ăn vào bát của thú nuôi. Điều quan trọng là sau mỗi việc làm của trẻ, cha mẹ nên khích lệ trẻ để bé cảm thấy mỗi việc mình làm là có ích, ví dụ việc bé đổ nước vào bát thức ăn của cún cưng giúp chú cún không bị khát, nhờ đó mà có sức vui đùa cùng con.

2. Tăng khả năng vận động ngoài trời:

Có nhiều cha mẹ than phiền rằng việc bé yêu không chịu rời khỏi màn hình máy tính hay điện thoại thông minh khiến cha mẹ vô cùng lo lắng, vì khi dùng kỷ luật rắn để tách bé ra xa những công nghệ vô tri này thì bé trở nên ít giao tiếp hơn, mè nheo và không chịu nghe lời. Trái lại, nếu như từ nhỏ, trẻ đã làm quen với những thú nuôi cưng, bé sẽ không có quá nhiều thời gian để chỉ ngồi nghịch điện tử hay các trò chơi cảm ứng ngón tay, thay vào đó chú cún cưng hay chú mèo đanh đá sẽ tìm mọi cách để kéo trẻ ra ngoài vui đùa cùng chúng. Trẻ nhờ đó cũng có nhiều hơn cơ hội được chạy nhảy ngoài trời, được tham gia các hoạt động thể lực, tích cực giao tiếp nô đùa giúp bé phòng tránh được các nguy cơ liên quan đến trạng thái trầm cảm, tự kỷ.

3. Như một người bạn:

yeu thu cung 2

Thật ngạc nhiên là cậu bé Tôm của tôi, khi cô giáo yêu cầu viết một bài văn miêu tả người bạn thân thì Tôm thay vì tả một cậu bạn cùng lứa thì lại miêu tả về chú chó Pug của gia đình, trong khi Tôm có rất nhiều người bạn hay chơi trên lớp. Tôm kể rằng, Tôm yêu quý Pug vì Pug không mắng Tôm khi Tôm làm bài kiểm tra bị điểm kém, khi Tôm bị làm đổ lọ mực vào áo của chị gái, và không khoe mẹ khi Tôm làm vỡ chậu hoa của mẹ, Pug ngồi với Tôm khi Tôm bị bố đánh khóc nhè mà không bỏ đi chơi với người khác.

Thú cưng khiến trẻ có cảm giác an toàn, vì chúng chỉ lắng nghe thay vì khuyên bảo hay nói lại trẻ điều gì. Nhờ đó, chúng giúp trẻ được giải tỏa, được thể hiện mình theo những gì trẻ muốn.

Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
facebook skype 1900.2088

Hotline

1900.2088

Mua hàng